Một ngôi nhà cũng giống như con người nó sẽ có tuổi và dần già đi theo thời gian. Thời gian càng trôi đi thì kéo theo ngôi nhà cũng trở nên cũ kỹ và cấu trúc ngôi nhà cũng yếu đi.
Và như thế việc cải tạo ngôi nhà, hay đập đi và xây lại ở thời điểm nào đó sẽ diễn ra. Làm thế nào để hiểu và nắm bắt thời điểm đó là điều quan trọng.
Nếu dựa trên số liệu các ngôi nhà gỗ tại Nhật Bản thì mỗi ngôi nhà có tuổi thọ rơi vào khoảng 30 năm, nghe đến đây có người sẽ nghĩ là ÔI SAO MÀ NGẮN VẬY?
Vậy tại sao lại 30 năm? Admin đã tìm hiểu và xin giải thích trong bài viết này.
Nếu có bạn đọc nào đó đang sở hữu một ngôi nhà gỗ, muốn cải tạo, hay là muốn tìm hiểu phương pháp kéo dài tuổi thọ một ngôi nhà gỗ thì đây cũng là bài viết chứa thông tin hữu ích dành cho bạn.
Thực tế nhà gỗ Nhật Bản có tuổi thọ 30 năm là thông tin KHÔNG CHÍNH XÁC?
Ở Mỹ một ngôi nhà có tuổi thọ trung bình là 100 năm, Pháp là 90 năm. Nếu so sánh thì dễ dàng thấy độ bền của ngôi nhà Nhật còn chưa đến một nửa so với những nước đó. Có phải chất lượng xây dựng nhà của Nhật có vấn đề?
Sự thật là con số 30 này bao gồm luôn những ngôi nhà bán đi được xây dựng lại, chứ không phải là kết luận ngôi nhà Nhật chỉ có tuổi thọ 30 năm. Thực tế vẫn có nhiều ngôi nhà đã trên 50 năm tuổi nhưng vẫn còn chạy tốt.
Mặt khác thời trước người Nhật thường có suy nghĩ sau 30 năm thì lối sống, và các thành viên trong gia đình cũng thay đổi, vào thời điểm đó ngôi nhà cũng nên thay đổi, sửa chữa lại. Với suy nghĩ đó người ta cũng chỉ tập trung chú ý xây dựng ngôi nhà với độ bền 30 năm.
Ngôi nhà sau khi trải qua 20 đến 30 năm thì cũng sẽ bị cũ đi, cấu trúc ngôi nhà cũng không còn được như trước nếu muốn cải tạo thì cũng phải mất một chi phí lớn và và cũng không thay đổi gì nhiều về thiết kế bên ngoài của ngôi nhà, nên với cách suy nghĩ đó nhiều người lựa chọn là đập đi và xây lại mới ngôi nhà.
Còn với những nước Mỹ hay Pháp thì lại ngược lại, họ chăm sóc nâng cấp ngôi nhà theo ngày tháng, và truyền lại cho người sau. Đó là lý do lớn tạo nên sự khác biệt lớn về tuổi thọ của những ngôi nhà tại Nhật.
Vậy thực tế những ngôi nhà phong cách Nhật có tuổi thọ bao nhiêu?
Ở Nhật có nhiều phương pháp xây dựng, phương pháp bê tông cốt thép, phương pháp cấu trúc sườn gỗ…dù phương pháp nào đi nữa thì việc bảo trì bảo dưỡng cho ngôi nhà sẽ là yếu tố quyết định đến tuổi thọ ngôi nhà, đặc biệt hơn cả là những ngôi nhà có cấu trúc gỗ.
Thông thường, thì sẽ có cảm giác là nhà gỗ yếu, độ bền, tuổi thọ không cao, tuy nhiên thực tế với những ngôi nhà gỗ hiện đại của Nhật thì sẽ khiến các bạn ngạc nhiên đấy.
Nếu quá trình chống ẩm, xử lý sấy vật liệu gỗ tốt, và không để bị hỏng mốc thì nhà gỗ có thể thọ đến 80-100 năm. Gần đây với sự phát triển khoa học kỹ thuật , ở Nhật cũng đã xây dựng được những ngôi nhà đảm bảo được về tuổi thọ.
Phần quan trọng phải kể đến tiếp theo chính là đất làm nền móng. Nếu bạn muốn mua đất để xây dựng một ngôi nhà thì việc trước tiên là kiểm tra nền đất đó có phù hợp để xây nhà hay không? Ở Nhật thì bạn có thể tìm kiếm trên mạng những trang web hỗ trợ kiểm tra thành phần nền đất theo từng vùng và địa phương.
Nền đất yếu thì sau 20 hay 30 năm thì ngôi nhà của bạn có thể bị lún đi, điều này sẽ tác động đến cấu trúc ngôi nhà và tệ hơn là không thể tiếp tục sống trong ngôi nhà đó.
Ở Nhật hiện nay có nhiều ngôi nhà gỗ cổ xưa (tên gọi là Kominka) được cải tạo qua nhiều lần, trải qua hơn 100 năm nhưng vẫn được sử dụng để làm những quán cafe hay quán ăn phong cách cổ xưa.
Qua đó chúng ta có thể thấy được nếu một ngôi nhà gỗ được bảo dưỡng bảo trì thường xuyên thì độ bền, hay tuổi thọ của nó có thể dài hơn chúng ta.
Cụ thể thì chúng ta nên bảo dưỡng nhà gỗ như thế nào?
Khi xây dựng một ngôi nhà thì việc được xử lý chống ẩm, mưa nắng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ngôi nhà luôn được đặt trong mưa, nắng gió thì theo thời gian cũng bị xuống cấp, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm, và điều đó tùy thuộc vào sự bảo dưỡng và bảo trì của chúng ta.
Phòng tắm, bồn rửa chén…
Vật liệu gỗ khi tiếp xúc lâu với nước rất dễ bị hỏng mốc, nên nếu phát hiện rò rỉ nước thì phải sửa chữa càng sớm càng tốt. Phòng tắm, bồn rửa chén bát…những nơi gần với nước thì việc đảm bảo sự khô ráo 100% là rất khó, nên khi ở giai đoạn thiết kế nhà chúng ta phải lưu ý đến việc đặt những vị trí gần nước đó có ánh sáng mặt trời chiếu vào để hạn chế ẩm ướt.
Độ ẩm
Cũng như nước, độ ẩm trong không khí quá cao cũng không tốt cho gỗ. Vì vậy khi xây dựng nhà gỗ việc chú ý đến hướng gió và thiết kế ngôi nhà sao cho thông thoáng và lấy được gió vào trong nhà để làm giảm độ ẩm trong không khí.
Mối mọt
Mối mọt thường xuất hiện những nơi gần nước, có độ ẩm cao. Nó thường hoạt động những nơi chúng ta không nhìn thấy, nên lúc nào không hay mà ngôi nhà có thể hỏng dần đi vì chúng.
Nếu phát hiện sớm thì phun thuốc diệt mọt là xong chuyện, nhưng ngược lại nếu phát hiện quá muộn, mối mọt đã ăn hết phần gỗ kết cấu ngôi nhà thì thật là lớn chuyện.
Vì vậy hằng ngày nên lưu ý đến những nơi gần nước hay có độ ẩm cao trong nhà để hạn chế rủi ro do mối mọt.
Kiểm tra bảo dưỡng định kỳ
Cũng giống như con người chúng ta, đến lúc cũng phải đi khám định kỳ, ngôi nhà cũng vậy việc khám định kỳ cũng không kém phần quan trọng.
Nếu là nhà mới thì ở Nhật thì 2 đến 3 năm năm đầu, 3 đến 4 lần sẽ được bảo trì bảo dưỡng miễn phí.
Trong những lần này bạn cố gắng tận dụng để nhân viên kiểm tra một cách triệt để.
Sau những lần kiểm tra này thì cứ 5 năm một kiểm tra lại, hoặc tối thiểu cũng 10 năm một lần. Tuy nhiên nền nhà thì 5 năm nhất định phải kiểm tra bảo dưỡng, vì mối mọt nó sẽ ăn dần từ nền nhà lên, nên việc kiểm nền là rất cần thiết.
Đến đây các bạn sẽ cảm thấy thật rắc rối và vất vả cái chuyện bảo trì bảo dưỡng, tuy nhiên để có một ngôi nhà gỗ có một tuổi thọ 80 năm và 100 năm thì đó là những việc bạn nên làm. Hơn thế nữa ngôi nhà cũng là nơi bạn và gia đình bên nhau sau khoảng thời gian học tập làm việc, nên mình nghĩ ai cũng muốn có những giây phút thoải mái và an tâm nhất.
Admin xin được kết thúc phần chia sẻ về thông tin về tuổi thọ cũng như những điểm lưu ý về nhà gỗ Nhật Bản, hy vọng các bạn đã tìm thấy thêm cho mình thông tin hữu ích.
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết.
Bình luận