Những kỹ năng không thể thiếu khi làm việc cho công ty Nhật

Mỗi bạn qua Nhật tùy vào định hướng tương lai mỗi người mà chọn cho mình một hình thức đi Nhật phù hợp. (Du học sinh, thực tập sinh, kỹ sư,….) Dù là hình thức nào thì nguyện vọng của mọi người hầu hết vẫn muốn được ở lại Nhật làm việc lâu dài, hay ít ra là 5, 10 năm làm dành dụm được một số tiền kha khá rồi quay về Việt Nam tự kinh doanh.

Theo số liệu từ Bộ Tư Pháp vào cuối tháng 6 năm 2019 số người nước ngoài tại Nhật là 2,829,416 người, tăng 3.6% so với năm trước. Trong đó, có 371,755 người Việt Nam, tăng 12,4% so với với năm trước. Đây là con số tăng khá nổi bật so với các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ở bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn mới bắt đầu đi làm ở công ty Nhật một số kỹ năng quan trọng. Hy vọng các kiến thức bên dưới sẽ là vũ khí đầu tiên để các bạn tự tin hơn trong một môi trường làm việc khá nghiêm khắc như ở Nhật.

Nắm bắt được tình hình xung quanh – 空気を読む

Đây là nét văn hóa khá đặc thù ở Nhật, thường làm khó các bạn Việt Nam khi mới qua.Người Nhật thường nhìn vào thái độ, cách ứng xử của đối phương để đánh giá tính cách con người. Vì vậy, nếu bạn là người tinh tế trong giao tiếp thì sẽ trở thành vũ khí khá lợi hại đấy ạ.

Mình lấy một ví dụ đơn giản, ví dụ Bạn muốn xin Sếp về nước cưới vợ sau 2 tháng nữa. Tuy nhiên bạn chưa nắm bắt được thông tin hôm nay sếp vừa bị cấp trên mắng về chỉ tiêu tháng này.

Vậy là bạn hồn nhiên bắt chuyện với Sếp và kết quả nhận được sẽ là một buổi nói chuyện khá ảm đạm, hoàn toàn không có lợi cho bạn.Và không may nếu Sếp của bạn là một người Giận cá chém thớt thì ÔI THÔI RỒI năm sau nữa cưới vợ chắc cũng khó bạn nhỉ.

Nắm bắt được tình hình xung quanh có thể giúp bạn phát triển công việc một cách thuận lợi hơn vì vậy hãy tinh tế hơn để có một sự chuẩn bị chu đáo khi giao tiếp các bạn nhé.

Ưu tiên độ chính xác hơn là tốc độ – スピードよりも正しさ

Trong công việc ở Nhật, yếu tố được ưu tiên hàng đầu chính là độ AN TOÀN. Đây cũng là điểm khác biệt khá lớn so với một số doanh nghiệp ở Việt Nam mình. Vì lợi nhuận, doanh số chúng ta có thể bỏ qua nhưng bước căn bản không cần thiết để có sản lượng lớn trong thời gian nhanh nhất có thể. 

Tuy nhiên, khi các bạn kỹ sư Việt Nam đã từng làm ở trong nước qua Nhật với phán đoán chủ quan của bản thân, cũng áp dụng cách làm đó dẫn đến nhiều buổi họp phát sinh ra đời. Ở đây minh không nói ai sai, nhưng ở Nhật bạn sẽ không được đánh giá tốt nếu mắc nhiều lỗi  khi bạn làm nhanh cỡ nào thì cũng không được đánh giá tốt nếu mắc nhiều lỗi.

Ghi chép ghi chú mọi lúc mọi nơi có thể – メモを持ち歩く

Khi được chỉ dẫn nội dung công việc thì hành động ghi chép sẽ thể hiện sự cố gắng học hỏi và tiếp thu trong công việc của bạn.

Không ai tài tình gì mà có thể vừa nghe vừa nhớ hết toàn bộ nội dung công việc, chưa kể đến nội dung được hướng dẫn không phải là tiếng Việt. Sự nỗ lực vừa lắng nghe vừa ghi chép của bạn trong trường hợp có những thông tin bị bỏ sót, 

bắt buộc phải hỏi lại sẽ không thành vấn đề, nhưng nếu bạn không ghi chép mà hỏi lại một vấn đề nhiều lần thì sẽ để lại cảm giác bất an cho người hướng dẫn.

Nói rõ “KHÔNG THỂ LÀM” khi cảm thấy bản thân không thể đảm nhận được – 「できないこと」は「できない」と言う

Khi được cấp trên tín nhiệm, giao nhiều công việc một lúc thì bạn phải biết xác nhận “Thứ tự ưu tiên công việc ” và “Thời điểm cần phải hoàn thành tương ứng với từng công việc” với cấp trên. Điều này sẽ giúp bạn quản lý rõ ràng hơn lượng công việc mình phải đảm nhận và ước lượng thời gian phù hợp để hoàn thành. 

Trường hợp bạn bận nhiều việc không thể đảm nhận thêm công việc mới thì kĩ năng quản lý công việc của bạn sẽ được đánh gia cao nếu ngay từ ban đầu bạn biết từ chối hoặc trình bày hoàn cảnh một cách hợp lý.

Công việc của mình thì phải chịu trách nhiệm làm đến cùng – 自分の仕事は自分が最後までやる

Chịu trách nhiệm trong công việc là yếu tố quan trọng ở các công ty Nhật. Trường hợp các bạn lính mới khi được giao nhiệm vụ, giữa chừng xảy ra sự cố phải nhờ đến sự can thiệt của mọi người xung quanh thì đừng nên nghĩ rằng từ thời điểm mọi người xử lý giúp mình là công việc thuộc về người khác.

Hành động quan tâm, học hỏi cách xử lý sự cố của bạn sẽ để lại ấn tượng tốt với mọi người xung quanh. Họ sẽ đánh gia bạn là người chịu khó, biết tiếp thu và chịu trách nhiệm trong công việc.Trăm hay không bằng tay quen – 習うよりも慣れる

Trăm hay không bằng tay quen – 習うよりも慣れる

Đây là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Tùy vào tính chất từng công việc mà thay vì được chỉ toàn bộ mới làm thì việc bắt tay vào làm thử và quen dần với công việc sẽ giúp bạn ở thế chủ động hơn.

Ví dụ như khi tham gia vào lớp học đánh đàn, cùng một giáo viên, cùng một nội dung bài giảng nhưng tùy vào cách làm quen, tiếp thu và luyện tập với cây đàn của mỗi người mà có thể phát huy chức năng của từng phím đàn một cách tối ưu nhất.

Việc đặt câu hỏi luôn được khuyến khích trong công việc. Tuy nhiên, khi bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho nội dung câu hỏi, đặt những câu hỏi mà bản thân chưa thực sự tìm hiểu kỹ về vấn đề đó thì trái lại người được hỏi sẽ đánh giá bạn là con người ngại khó, thiếu sự chuẩn bị. 

Vì vậy hãy hỏi những điều chưa hiểu khi bạn đã thật sự bắt tay vào làm thử và thay vì phải nhồi nhét một đống các thao tác máy vào đầu thì hãy học từng thao tác một rồi thực hành nó.

Báo cáo – Liên lạc – Trao đổi – 報告・連絡・相談(ホウ・レン・ソウ)

Báo cáo tiến độ công việc,

Liên lạc khi gặp sự cố,

Trao đổi khi muốn trình bày ý kiến của mình.

…………..

Là 3 quy tắc giao tiếp quan trọng khi làm việc tại Nhật.

Không được nói xấu công ty ở bên ngoài – 会社の悪口を外で言わない

Vốn dĩ chỉ cần là người nước ngoài ở nơi công cộng thì ít nhiều bạn cũng đang bị một ai đó để ý, chứ đừng nói gì đến chuyện bạn đang nói xấu ai đó, công ty nào đó thì với mối quan hệ hạn hẹp của một người nước ngoài mà hên xui gặp phải người ngồi cạnh đó biết đến người, công ty bạn đang nhắc đến thì thật sự chẳng hay ho chút nào nhỉ.

Vì vậy, tốt nhất là không nên nói xấu công ty của mình ở nơi công cộng đông người nhé.

Cần chú ý với người lớn tuổi hơn khi dùng bữa – 食事の場では年上の方に気をつかう

Ở Nhật mối quan hệ Senpai – Kohai có nhiều nguyên tắc khá lằng nhằng. Đặc biệt là cách ứng xử đối với người lớn tuổi. Khi dùng bữa với cấp trên là người lớn tuổi thì cần phải để ý nhiều quy tắc khác nhau, và đây cũng là lý do mà các bạn trẻ ở Nhật từ chối những buổi nhậu nhẹc với cấp trên vì cảm thấy sự gò bò khi luôn phải để ý trong cả buổi tiệc.

Khi tính chất công việc phải đi nhậu nhiều, các bạn nên chuẩn bị sẵn cho mình một số kiến thức cơ bản để không phải bị mang tiếng thất lễ với cấp trên. Ví dụ như:

“Ngồi ở gần cửa ra vào để dễ gọi món với nhân viên và dễ chuyền bia, món ăn ra giữa bàn”

“Khi có các món ăn phải tự làm thì không ai khác người người mới phải tự làm và chia đều ra các dĩa nhỏ cho mọi người.”

“Khi thấy bia, rượu của mọi người đã hết thì hỏi xem có nhu cầu dùng thêm loại gì khác không”

“Nếu như không đủ rượu thì người ít tuổi hơn sẽ rót phần rượu còn lại vào chén của mình và gọi thêm phần rượu mới.”

“Không được ăn khi cấp trên chưa ăn”

……….

Đừng quên cảm xúc ban đầu của bạn – はじめたころの気持ちを忘れないこと

Người Nhật xưa có câu “初心忘るべからず ”  (Không được quên ý định ban đầu của mình trong bất cứ việc gì). 

Để có được một công việc ở Nhật như ngày hôm nay là bao nhiêu khao khát, mong muốn được đi Nhật của bạn ở thời điểm ban đầu. Nhờ cảm xúc đó mới có bạn của ngày hôm nay nên hãy trân trọng cảm xúc của mình lúc còn ở vạch xuất phát. 

10 yếu tố kể ở trên được tham khảo ở trang Jnavi, hy vọng sẽ là một hành trang đầu cho các bạn tự tin hơn trong môi trường làm việc ở Nhật. Bài viết mang tính chất chủ quan của cá nhân mình có thể không phù hợp với suy nghĩ của một số bạn khác, mong rằng sẽ được các bạn đón nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

Sự khác biệt về văn hóa giữa hai nước Nhật Việt sẽ trở nên thú vị hơn nên bạn biết hòa hợp giữa cả 2 nền văn hóa. Và biết trang bị một số kiến thức cơ bạn về đất nước này thể hiện sự tôn trọng, am hiểu nền văn hóa nước bạn. Hãy là người tinh tế và văn minh bạn nhé. Chúc các bạn thành công!

Bình luận

タイトルとURLをコピーしました